TBKTSG: Bước tiến mới của Elearning

E-learning là thuật ngữ dùng để mô tả việc giảng dạy, học tập dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Với E-learning, người học có thể chủ động lên lịch học, học bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu thuận tiện mà không nhất định phải đến một địa điểm cố định. Việc học tập, thi cử cũng không bị gián đoạn nếu người học phải đi công tác hoặc có việc phải đi xa nhiều ngày.
Từ các trường danh tiếng…
Vị trí đặt quảng cáoTuy đem lại nhiều lợi ích, nhưng E-learning trước đây vẫn được coi là tẻ nhạt vì người học chỉ có thể tiếp xúc với chiếc máy vi tính và một số phương tiện khác, mà mất đi sự tiếp xúc trực tiếp với bạn học và giáo viên, vốn là một phần rất quan trọng tạo nên sự hứng thú, hiệu quả trong học tập.
Năm 2006 đánh dấu bước phát triển mới của E-learning khi nhiều trường đại học danh tiếng như Harvard, MIT, Stanford, Oxford… bước vào thế giới trực tuyến 3D. Họ đã xây dựng hệ thống nội dung các môn học, các khuôn viên với đầy đủ giảng đường, phòng thí nghiệm… phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.
Sinh viên đăng ký tài khoản, gặp nhau trên các giảng đường ảo để học và thảo luận về môn học. Công nghệ trực tuyến 3D cho phép tạo ra mọi thứ như ngoài đời thật. Vì thế, sinh viên có điều kiện vận dụng gần như ngay lập tức những kiến thức đã học và có thể thấy được kết quả rất nhanh sau đó.
Với thế giới ba chiều, sinh viên còn có thể “đi thực tế” nhiều hơn mà không cần phải tốn nhiều kinh phí như ngoài đời thực, đồng thời họ có điều kiện tiếp xúc với nhiều giảng viên danh tiếng trên toàn thế giới.
Theo ông Frank Mayadas, chuyên gia giáo dục của Quỹ tài trợ Sloan ở New York, có tới hơn 4 triệu sinh viên Mỹ tham gia ít nhất một khóa học trực tuyến 3D này. Số sinh viên tại Đại học Phoenix, trường học trực tuyến lớn nhất nước Mỹ, tăng từ 80.000 năm 2000 lên 345.000 ở thời điểm hiện tại và có khả năng sẽ đạt tới con số 500.000 vào năm 2010.
TOPICA đi tiên phong ở Việt Nam
Phương pháp đào tạo trên môi trường 3D đã có mặt ở Việt Nam với sự ra đời của chương trình TOPICA của Viện Đại học Mở Hà Nội. TOPICA là chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến ứng dụng công nghệ E-learning tiên tiến nhất. Không giống như ở các chương trình đào tạo trực tuyến khác, các sinh viên của chương trình TOPICA “đến trường”, “vào lớp” và “tuân thủ” nội quy của trường giống như khi họ học trong giảng đường thật của một trường đại học.
Giảng đường của TOPICA là một tòa nhà tám tầng được xây dựng trong thế giới ba chiều, mô phỏng theo môi trường thật nhằm giúp sinh viên có cảm giác như thật, với tầng 1 là sảnh lớn và hội trường, các tầng còn lại dành cho các chuyên ngành đào tạo và khu thực hành.
Như tất cả các sinh viên của những trường đại học ở thế giới thực, “sinh viên TOPICA” cũng được cấp “thẻ sinh viên” (tên truy nhập và mật khẩu) và bắt buộc phải “trình thẻ” nếu muốn “vào trường” để tham gia buổi học. Trong “lớp”, họ cũng sẽ “ngồi” sau các “dãy bàn”, bên cạnh những người bạn của mình, và lắng nghe “giáo viên” giảng bài.
Trong phòng học “thật mà ảo, ảo mà thật” này, thầy và trò có thể tổ chức các buổi thảo luận, hội nghị xoay quanh môn học hay tiến hành các hoạt động không khác gì trong một lớp học bình thường.
Một điểm khác biệt nữa trong chương trình đào tạo trực tuyến của TOPICA là sinh viên có điều kiện thực hành ngay những bài học của mình. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị, Phó viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, cho biết: “Chẳng hạn, sinh viên ngành tài chính-kế toán có thể tham gia thực hành quy trình kế toán vật tư, trong đó họ được đóng vai kế toán viên, học cách kiểm tra các hợp đồng, chứng từ, giao tiếp với các sinh viên khác đóng vai đối tác, đồng nghiệp. Môi trường sinh động này giúp cho sinh viên hứng thú khi luyện tập các kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm”.
Có một khó khăn khi học tập trên 3D là cách học này đòi hỏi tốc độ đường truyền Internet tương đối cao. Tuy nhiên, tốc độ Internet hiện nay ở Việt Nam đang dần được cải thiện, ở những nơi đã có ADSL thì việc truy cập này không phải là vấn đề, còn ở những nơi có tốc độ thấp hơn sinh viên vẫn có thể tiếp tục chương trình học thông qua các công cụ chuyển tải nội dung bài giảng khác không yêu cầu kỹ thuật quá cao như trang web, sách, diễn đàn...
Chương trình TOPICA được xây dựng trên nền tảng của một số chương trình, dự án từ năm năm trở lại đây như dự án TOPIC64 (triển khai các trung tâm tin học tại 64 tỉnh thành và phát triển học liệu E-learning), vườn ươm doanh nghiệp CRC-TOPIC của Đại học Bách khoa Hà Nội (ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin)...
Các dự án này được Microsoft, Qualcomm, HP, USAID, World Bank tham gia phát triển và tài trợ, đã đạt được một số giải thưởng quốc tế uy tín như lọt vào top 7/160 Development Gateway Award năm 2007; đoạt giải thưởng của SEAMOLEC thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á năm 2007; lọt vào top 4/132 của Stockholm Challenge Award năm 2008.